Header Ads

Tiềm năng các ngành khối Nông - Lâm

Ngành Nông - Lâm là ngành nghề có tiềm năng phát triển và xã hội rất cần. Hàng năm, sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường đều có việc làm, nhưng cũng không đủ số lượng nguồn nhân lực để thỏa mãn yêu cầu của thực tế.
Nguồn nhân lực chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu cho ngành Nông – Lâm


Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị đào tạo thuộc các khối ngành của Bộ. Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ đã đặt ra yêu cầu mới đối với việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quản lý, phát triển, sử dụng và thương mại tài nguyên rừng, quản lý đất đai, xây dựng công trình và hiện đại hóa nông thôn, chế biến nông lâm sản, quản lý tài nguyên nước và lưu vực, ... vì đây là những ngành trọng điểm trong thời gian tới.

Hiện nay cả nước có 13 trường ĐH, CĐ có đào tạo về nông lâm nghiệp; 60% trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề về nông lâm nghiệp. Mặc dù vậy, số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ khối ngành nông lâm nghiệp ra trường hàng năm không đủ cung ứng cho nhu cầu xã hội vốn đang tăng lên rất nhanh.

Nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng ĐH Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: “Do chúng ta chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực nông lâm nghiệp về số lượng và cơ cấu ngành nghề, chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao".

Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực cho ngành Nông - Lâm nghiệp cũng đang mở ra cơ hội cho việc lựa chọn ngành nghề của các bạn trẻ đi vào lĩnh vực có tiềm năng đang phát triển này (Hiện đóng góp xấp xỉ 25% GDP cho đất nước).

Dự kiến sẽ được hỗ trợ học phí như ngành Sư phạm

Chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 - 2020 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã xác định đào tạo chính quy bình quân mỗi năm khoảng 5.000 sinh viên, học sinh và đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt có nền tảng tri thức của khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, trong thời gian tới, có nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực đào tạo chất lượng cao các ngành khối nông - lâm... Do đó, dự kiến sẽ đề nghị chính phủ hỗ trợ học phí cho ngành này như ngành Sư phạm.

Bộ đang đề xuất với Chính phủ về việc: hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành này giống như kiểu hỗ trợ đối với sinh viên ngành sư phạm; sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực được đào tạo; có cơ chế hỗ trợ kỹ sư, cử nhân đi đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước.


Được tạo bởi Blogger.